Trong quá trình sử dụng máy tính, rất nhiều bạn có những thói quen "không tốt" gây ảnh hưởng nhiều đến "sức khỏe" của máy tính cả về phần cứng lẫn phần mềm. Dưới đây, mình xin tổng hợp lại 10 thói quen xấu khi sử dụng máy tính thường gặp nhất, nhằm giúp cho các bạn thay đổi thói quen và tự mình bảo vệ máy tính trước những nguy cơ về virus; lỗi hệ điều hành; hỏng hóc phần cứng, phần mềm;...
Thường xuyên sử dụng nút Reset
Nhiều bạn vẫn có thói quen sử dụng nút Reset trên máy tính bàn để khởi động lại máy khi gặp vấn đề. Điều này thực sự không tốt một chút nào, vì khi sử dụng nút Reset thì toàn bộ các file hệ thống cũng như file đang mở sẽ bị đóng một cách đột ngột chứ không tuân theo trình tự khi ta Reset trong Start.
Nếu bạn để ý kỹ thì sẽ thấy rằng, nút Reset này thường chỉ tồn tại ở các máy tính dạng lắp ráp. Còn máy tính bộ chính hãng (Dell, HP, Acer,...) hoặc máy chủ chuyên dụng sẽ không có nút Reset trên máy.
Hãy nhớ rằng khi bạn sử dụng nút Reset thì quá trình sẽ diễn ra như khi máy tính đang sử dụng mà bị ngắt điện (cúp điện). Nhiều lần như vậy sẽ gây ra lỗi trong hệ điều hành, hư hỏng phần cứng,...
Không thường xuyên dọn rác máy tính
Theo mình thì đây được coi là lỗi hay mắc phải nhất vì đa phần người dùng thường không chú ý đến hoặc có thể không biết. Khi bạn truy cập vào một trang web hay phần mềm bất kỳ thì hệ điều hành sẽ tự sinh ra các file tạm, file đệm để giúp quá trình sử dụng được diễn ra nhanh hơn (những file này chỉ sử dụng trong lần truy cập nhất định chứ không hề có tác dụng cho lần sử dụng sau).
Các file này có thể ít hoặc nhiều tùy theo cơ chế của phần mềm hay quy mô của trang web. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng thì các file này sẽ tích tụ dần và chiếm dung lượng khá là lớn trong ổ cứng (chẳng hạn như mình, sau khoảng 1 tháng sử dụng thì tổng dung lượng file đó có thể lên tới 4GB, thật là một con số khổng lồ phải không bạn...).
Để hạn chế tình trạng này, mình xin chỉ cho các bạn các phần mềm chuyên dụng miễn phí sau:
• CCleaner - Phần mềm miễn phí giúp dọn rác máy tính và tối ưu hóa Windows
• Glary Utilities - Phần mềm miễn phí giúp bạn tự bảo trì máy tính
Không sử dụng phần mềm diệt Virus hoặc sử dụng phần mềm kém chất lượng
Do tâm lý chung là sợ tốn kém và muốn tiết kiệm, nhiều bạn thường có xu hướng không muốn xài phần mềm diệt Virus có bản quyền mà lựa chọn giải pháp dùng phần mềm miễn phí, hoặc tệ hơn cả là không sử dụng phần mềm gì cả. Tuy nhiên, sự tiết kiệm không đúng mức sẽ dẫn đến rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn về mất mát dữ liệu, lộ tài khoản, bị tấn công mạng, virus,...
Mình xin có một lời khuyên dành cho bạn là hãy mau chóng thay đổi thói quen này mà sử dụng phần mềm diệt Virus có bản quyền để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cài đặt phần mềm mà không chú ý đến các tùy chọn của phần mềm đó
Những công cụ, tiện ích miễn phí được chia sẻ rất nhiều ở trên mạng và trong đó có những phần mềm hoạt động rất tốt và chất lượng. Tuy nhiên vì là miễn phí nên chúng thường kèm theo những phần mềm, thanh Toolbar,... mà bạn có thể không mong muốn.
Theo thói quen của đa số bạn sử dụng (hồi trước mình cũng hay làm như thế), trình tự cài đặt phần mềm sẽ là như sau:
Download phần mềm > Chạy file Setup > Next > Next > ... > Finish
Và kết quả là ngoài phần mềm bạn cần cài đặt thì bạn sẽ được "khuyến mãi" thêm một số các phần mềm, thanh Toolbar,... Điều này vừa hạn chế không gian, vừa làm chậm máy hoặc có thể bị treo trình duyệt.
Các đơn giản nhất là khi bạn cài đặt bất kỳ phần mềm nào, bạn nên quan sát thật kỹ từng Option (Tùy chọn) của chúng trong suốt quá trình bạn cài đặt. Nên cài đặt dạng Custom (Tùy chỉnh) thay vì dạng Express hoặc Full...
Sử dụng phần mềm đóng băng ổ cứng
Deep Freeze, Drive Vaccine, Shadow Defender,... là những phần mềm có chức năng phục hồi lại trạng thái ổ cứng hoặc phân vùng về lại thời điểm bắt đầu bạn khởi động các phần mềm này trên máy tính (chúng thường được gọi là phần mềm đóng băng).
Cách này thường được sử dụng nhiều ở các quán net hoặc những bạn lo sợ bị Virus. Tuy nhiên, do liên tục phải phục hồi lại về trạng thái cũ nên ổ cứng sẽ bị giảm tuổi thọ đi một cách đáng kể. Và về lâu về dài có thể dẫn đến hỏng ổ cứng và việc bị mất mát dữ liệu là điều khó tránh khỏi...
Click chuột vào các Banner quảng cáo
Những quảng cáo hấp dẫn, sexy có thể sẽ gây chú ý và tăng độ tò mò cho người dùng. Tuy nhiên, ẩn sau chúng có thể là các đường link độc hại, chứa phần mềm hoặc mã độc. Vì thế, bạn nên cân nhắc trước khi click vào bất kỳ Banner quảng cáo nào đó.
Ngoài ra, tại một số trang chia sẻ dữ liệu trực tuyến như Mediafire, Rapidshare,... bạn có thể dễ dàng bắt gặp những dạng quảng cáo đánh lừa như Click here, Download Now,... Hãy chú ý cẩn thận kẻo bạn có thể bị nhầm lẫn đó.
Không vệ sinh và bảo trì máy định kỳ
Khi bạn sử dụng máy tính một thời gian, có thể máy tính sẽ hút rất nhiều bụi bẩn, và kết hợp với độ ẩm của không khí sẽ tiềm ẩn trong đó sự hỏng hóc phần cứng, là môi trường rất tốt cho những loại vi khuẩn độc hại phát triển.
Bạn nên định kỳ kiểm tra và tiến hành vệ sinh máy tính của mình ít nhất là từ 3 tháng đến 6 tháng / 1 lần. Trong trường hợp, bạn phải làm việc trong môi trường bụi bặm thì bạn có thể phải vệ sinh máy hàng tháng. Công việc vệ sinh này cũng không đến nỗi là phức tạp cho lắm, bạn có thể tự làm hoặc nếu cảm thấy khó khăn thì bạn có thể tìm một ai đó có kinh nghiệm về việc này (hoặc mang ra tiệm) để giúp bạn.
Không sao lưu dữ liệu (Backup)
Bạn đang sử dụng một ổ cứng SATA3, hay ổ cứng SSD với công nghệ tiên tiến nhất, độ bền được quảng cáo là tốt nhất. Tuy nhiên, xét cho cùng thì chúng cũng chỉ là các linh kiện điện tử, mà bản chất của các linh kiện điện tử là "hư lúc nào không hay".
Đúng như vậy, không ai có thể đảm bảo cho bạn rằng ổ cứng của bạn sẽ không bị hư (mặc dù còn trong thời hạn bảo hành). Vậy nên, bạn hãy tự bảo vệ dữ liệu quan trọng của mình bằng cách sao lưu ra nhiều bản với nhiều thiết bị lưu trữ ngoài khác nhau.
Đặt mật khẩu đơn giản, dễ đoán
Vào 12/7/2012, một nhóm hacker đã tung lên mạng địa chỉ email và mật khẩu của hơn 450,000 người dùng Yahoo. Ngoài việc bất ngờ vì độ bảo mật kém của Yahoo, người ta cũng phải sửng sốt thêm khi có một lượng lớn tài khoản sử dụng những mật khẩu không thể nào đơn giản hơn như 123456, abc123, abcdef,... Hãy thay đổi thói quen này nếu bạn đang ở trong số đó.
Nên đặt mật khẩu kết hợp cả chữ và số, thêm vào đó là các ký hiệu đặc biệt như @, !, $, %,... và hạn chế đặt chung một mật khẩu cho tất cả các tài khoản.
Không thường xuyên cập nhật bản vá lỗi (Update) cho Windows
Ngoại trừ Windows XP đã bị Microsoft "khai tử" ra thì các hệ điều hành như Windows Vista, Windows 7, Windows 8 đều có chức năng cập nhật bản vá lỗi ngay khi phát hiện thấy lỗ hổng bảo mật (đừng chủ quan việc này bạn nhé). Với tình trạng tội phạm máy tính đang ngày càng trở nên tinh vi và chuyên nghiệp hơn thì một lỗ hổng rất nhỏ trong hệ điều hành cũng có thể dẫn đến những tại họa khó lường.
Ngay cả với Windows 8 mới ra mắt gần đây (26/10/2012) cũng đã nhanh chóng bị phát hiện lỗi bảo mật nghiêm trọng (theo Vupen - hãng bảo mật của Pháp). Lời khuyên dành cho bạn là "Hãy thường xuyên kiểm tra các bản vá lỗi (hotfix) và tải chúng về thông tin cập nhật Windows Update".
EmoticonEmoticon